043.525.0786 | btquangminh09@gmail.com

CÔNG TY TNHH B&T

Tư vấn giải pháp – Hỗ trợ kỹ thuật: 043.525.0786
Trang chủ / Thi Công Nền Móng / Thi Công Cọc Bê Tông

Thi Công Cọc Bê Tông

Giới thiệu chung

Thi công đóng cọc là biện pháp đưa cọc đúc sẵn xuống lòng đất bằng búa đóng. Thiết bị thi công chính là búa đóng (búa thủy lực hoặc búa diesel) được gắn trên giàn treo của máy cơ sở. Các đoạn cọc được nâng lên, gắn vào búa đóng và sau đó được hạ xuống nền đất bằng năng lượng do va chạm giữa búa đóng và đầu cọc. Trong quá trình thi công, độ chối của cọc sẽ được ghi lại và kiểm tra so với yêu cầu kĩ thuật của dự án. Khi cọc đạt độ chối yêu cầu, tính theo các công thức kinh nghiệm, cọc được xem là đạt tải thiết kế của công trình.

Đặc điểm công nghệ

Ưu điểm:

  • Thiết bị thi công búa đóng có kết cấu gọn nhẹ, làm việc độc lập, dễ vận chuyển, thao tác đơn giản. Máy có tính linh hoạt và cơ động, do đó có thể thi công ở nhiều địa hình phức tạp, khó khăn, chật hẹp, mấp mô như trên biển, cạnh bờ sông, mép núi…

  • Phương án đóng cọc có thể áp dụng với cọc bê tông cốt thép đúc sẵn, cọc ống thép có các kích thước từ D300 cho đến D1000. Cọc có thể đóng xiên theo yêu cầu thiết kế.

Nhược điểm:

  • Một trong những nhược điểm lớn nhất của phương pháp này gây tiếng ồn, mặt đất gần khu vực thi công bị rung, gây ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu xung quanh.

  • Dầu diesel (nếu sử dụng búa Diesel) sẽ bị bắn ra ngoài khi thi công, gây ô nhiễm môi trường, do vậy phương pháp này chỉ nên áp dụng ở các khu vực xây dựng nhà xưởng, khu công nghiệp, bến cảng, xa dân cư.

I. QUY TRÌNH THI CÔNG CỌC BTCT BẰNG BÚA ĐÓNG

Trước khi thi công đóng cọc, Nhà thầu tiến hành các công tác chuẩn bị sau đây:

  • Nghiên cứu điều kiện địa chất công trình và địa chất thuỷ văn, chiều dày, thế nằm và đặc trưng cơ lý của chúng;

  • Thăm dò khả năng có các chướng ngại dưới đất để có biện pháp loại bỏ chúng, sự có mặt của công trình ngầm và công trình lân cận để có biện pháp phòng ngừa ảnh hưởng xấu đến chúng;

  • Xem xét điều kiện môi trường đô thị (tiếng ồn và chấn động) theo tiêu chuẩn môi trường liên quan khi thi công ở gần khu dân cư và công trình có sẵn;

  • Nghiệm thu mặt bằng thi công;

  • Lập lưới trắc đạc định vị các trục móng và toạ độ các cọc cần thi công trên mặt bằng;

  • Kiểm tra chứng chỉ xuất xưởng của cọc (nếu là cọc được mua hoặc sản xuất tại nhà máy);

  • Kiểm tra kích thước thực tế của cọc (theo quy trình quy định);

  • Chuyên chở và sắp xếp cọc trên mặt bằng thi công;

  • Đánh dấu chia đoạn lên thân cọc theo chiều dài cọc;

  • Tổ hợp các đoạn cọc trên mặt đất thành cây cọc theo thiết kế;

  • Đặt máy trắc đạc để theo dõi độ thẳng đứng của cọc và đo độ chối của cọc.

Công tác đóng cọc sẽ được thực hiện khi cọc BTCT đạt cường độ theo quy định trong chỉ dẫn kỹ thuật của dự án. Để cho công tác đóng cọc được tiến hành liên tục thông thường Nhà thầu sẽ tập kết số lượng cọc nhất định đến gần vị trí cần đóng. Các cọc được xếp chồng lên nhau đảm bảo cọc không bị cong, vênh hoặc thậm chí gãy cọc khi chịu tải trọng bản thân cọc. Để thuận lợi cho việc lấy cọc, Nhà thầu có thể bố trí tà vẹt gỗ kê cọc…

Trước khi đóng cọc, Ban chỉ huy công trường tổ chức cuộc họp nội bộ Nhà thầu với toàn thể cán bộ kỹ thuật, đội trưởng thi công có liên quan nhằm nhắc nhở, quán triệt tư tưởng, phổ biến công nghệ thi công để mọi người trên dưới được thống nhất. Và một điều quan trọng nữa là trước khi đóng cọc Nhà thầu nên tổ chức cúng kính để xin phép thổ công để công việc được triển khai thuận lợi.

Công tác đóng cọc BTCT

– Lắp dựng giá búa, di chuyển giá đúng tim cọc, cân chỉnh cho giá búa thắng đứng, cân bằng.

– Dùng máy toàn đạc hoặc kinh vĩ đặt cố định để kiểm tra độ thẳng đứng hoặc độ xiên của cọc.

– Đối với công tác đóng cọc trên cạn: Dùng cẩu phục vụ cẩu cọc đặt trên đất. Sau đó cẩu cọc nằm ngang dần chuyển sang tư thế thẳng đứng và dựng cọc áp sát vào cần giá búa, đặt cọc chính xác vào vị trí, trục cọc nằm theo hướng thiết kế và trùng với tim búa. Cần giá búa ôm sát cọc và liên kết chặt chẽ với cọc, bảo đảm tim cọc đúng thiết kế.

Đóng cọc thẳng đứng trên cạn

– Đối với công tác đóng cọc dưới nước: Cố định sà lan, di chuyển thiết bị đóng cọc sao cho đảm bảo độ xiên cọc theo thiết kế, dựng cọc áp sát vào giá búa, đặt cọc chính xác vào vị trí, trục cọc nằm theo hướng thiết kế và trùng với tim búa. Cần giá búa ôm sát cọc và bảo đảm tim cọc đúng theo thiết kế…

Dưới tác dụng của trọng lượng búa, cọc sẽ lún xuống một đoạn nhất định. Kiểm tra vị trí cọc lần cuối bằng máy trắc đạc rồi cho búa đóng nhẹ vài nhát để cọc cắm vào đất và kiểm tra độ ổn định của cọc, búa, hệ thống giá búa rồi cho búa hoạt động bình thường.

Trong quá trình đóng cọc, Nhà thầu thường xuyên theo dõi và đo độ lún theo từng đợt để xác định độ chối của cọc.

Độ chối của cọc đóng là độ lún trung bình của cọc dưới một nhát búa đóng (đối với búa rung là 1 phút làm việc).

– Đối với cọc chống phải đóng tới cao độ mũi cọc thiết kế.

– Với cọc ma sát phải đóng tới khi đạt độ chối thiết kế.

Để đóng cọc đến cao độ đầu cọc thiết kế, Nhà thầu sử dụng 1 cọc dẫn dài 4 – 5m bằng 2xI350 hàn ghép. Và để tránh lực xung kích lớn làm vỡ đầu cọc, trên đầu cọc có đệm gỗ và bao tải gai.

Lưu ý chúng ta lưu ý với các lớp địa tầng yếu và có chiều dày lớn để có biện pháp tránh tuột mất cọc.

                                                                             

II. CÔNG TÁC ĐÓNG CỌC THỬ

  • Trước khi đóng cọc đại trà, thông thường Nhà thầu sẽ đóng cọc thử với số lượng cọc thử theo quy định của thiết kế nhằm xác định chiều dài chính thức của cọc.

  • Dùng sơn màu đậm, vẽ nét mảnh, sắc để chia vạch trên cọc, riêng đoạn đầu cọc thì chia vạch với mật độ dày để dễ đo và kiểm tra. Quá trình đóng cọc thử chia làm 2 đợt: đóng cọc lần đầu, đóng kiểm tra lại.

1. Đóng cọc lần đầu

* Cho búa hoạt động đúng trình tự đã nêu ở trên và ghi số lần đập búa trên mỗi mét lún sâu của cọc, riêng 1m cuối cùng ghi độ chối bình quân cho 1 hồi đập (cm/ phút)

* Trường hợp chưa đạt độ sâu chôn cọc như thiết kế thì đề cho cọc nghỉ 7 ngày, sau đó tiến hành đóng lại cho đến khi đạt độ chối thiết kế và báo cáo với Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát để xử lý hoặc cho nối cọc đóng thêm cho đến khi đạt độ chối thiết kế hoặc cho cọc nghỉ 7 ngày rồi đóng kiểm tra lại cho đến khi đạt độ chối thiết kế hoặc có biện pháp xử lý khác thích hợp.

2. Đóng kiểm tra lại

* Sau khi cọc nghỉ 7 ngày cho búa đóng lại cọc, đo độ chối và chiều cao rơi búa. Nếu cọc đạt độ chối thiết kế thì ngừng đóng, nếu chưa đạt độ chối thiết kế thì báo cáo với tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát để xử lý.

III. CÔNG TÁC ĐÓNG CỌC ĐẠI TRÀ

Sau khi có kết quả cọc thử, tiến hành đóng cọc đại trà theo trình tự đóng hàng cọc xiên trước rồi đóng hàng cọc thẳng sau. Biện pháp đóng cọc đại trà như đóng cọc thử, chỉ khác nhau là không để cho cọc nghỉ mà đóng cọc cho đến khi đạt độ chối thiết kế. Trong quá trình đóng cọc, Nhà thầu theo dõi chặt chẽ, thu thập số liệu ghi chép đầy đủ vào nhật ký đóng cọc và xử lý nếu có sự cố xảy ra. Một số chú ý trong quá trình đóng cọc.

  • Trong suốt quá trình đóng cọc cần kiểm tra vị trí của cần, của cọc và quan sát tình trạng của đầu cọc, mũi cọc, khi thấy vật liệu đầu cọc bị hư hại thì phải ghi vào sổ đóng cọc biện pháp bổ cứu, mũi cọc bị hư hỏng phải được kịp thời thay thế. Nếu đầu cọc bị hư hỏng với tình trạng hàng loạt và xét sự hư hỏng đó không phải do nguyên nhân vật liệu xấu gây ra thì cần xem xét lại kỹ thuật đóng cọc đã áp dụng và xét lại chiều sâu đóng cọc trong đất.

  • Đối với những hồi búa khởi đầu khi đóng chiều cao nâng búa không vượt quá 0.5m. Đối với hồi đập sau sẽ tăng dần chiều cao nâng búa cho tới chiều cao quy định trong lý lịch của búa. Đối với búa treo rơi tự do, chiều cao nâng búa phải tương ứng với trọng lượng búa, kích thước và vật liệu cọc, điều kiện địa chất.

IV. CÔNG TÁC HÀN NỐI CỌC

Theo TCVN 9394:2012 quy định:

Chỉ bắt đầu hàn nối các đoạn cọc khi:

– Kích thước các bản mã đúng với thiết kế;

– Trục của đoạn cọc đã được kiểm tra độ thẳng đứng theo hai phương vuông góc với nhau;

– Bề mặt ở đầu hai đoạn cọc nối phải tiếp xúc khít với nhau.

Đường hàn mối nối cọc phải đảm bảo đúng quy định của thiết kế về chịu lực, không được có những khuyết tật sau đây:

– Kích thước đường hàn sai lệch so với thiết kế;

– Chiều cao hoặc chiều rộng của mối hàn không đồng đều;

– Đường hàn không thẳng, bề mặt mối hàn bị rỗ, không ngấu, quá nhiệt, có chảy loang, lẫn xỉ, bị nứt…

Chỉ được tiếp tục hạ cọc khi đã kiểm tra mối nối hàn không có khuyết tật.

V. GHI CHÉP SỐ LIỆU LÀM HỒ SƠ NGHIỆM THU

Trong quá trình thi công đóng cọc cần có mặt cán bộ giám sát thi công và ghi chép những dữ liệu sau:

– Ngày đúc cọc, ngày đóng cọc;

– Số liệu cọc, vị trí và kích thước cọc;

– Chiều sâu đóng cọc, số đoạn cọc và mối nối;

– Loại búa đóng coc, chiều cao rơi búa, số nhát búa/phút;

– Số nhát búa đập để cọc đi được 100cm;

– Số nhát búa đập để cọc đi được 20cm cuối cùng;

– Loại đệm đầu cọc;

– Trình tự đóng cọc trong nhóm;

CÔNG TY TNHH B&T
MST: 2500281264
Mobile: 043.525.0786
Email : btquangminh09@gmail.com
Website: http://btvina.com.vn
Địa chỉ: Km9, Cao tốc Thăng Long – Nội Bài, Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội

Bài viết liên quan