Quy trình thi công cọc khoan nhồi
Quy trình thi công và nghiệm thu cọc khoan nhồi được quy định theo TCVN 9395:2012: Cọc khoan nhồi – Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu.
-
MÔ TẢ
Mục này đưa ra các yêu cầu về qui trình thi công và nghiệm thu cho từng giai đoạn thi công cọc khoan nhồi đổ tại chỗ theo phương pháp khoan tuần hoàn hoặc phản tuần hoàn, sử dụng thiết bị khoan kết hợp với ống vách thép, vữa sét hay không có vữa sét hoặc các phương pháp khoan tạo lỗ, phù hợp với biện pháp thi công được chấp thuận.
Toàn bộ công tác thi công, giám sát và nghiệm thu phải tuân thủ theo TCVN 9395:2012: Cọc khoan nhồi-Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu.
-
TIÊU CHUẨN TRÍCH DẪN
– TCVN 9395:2012“Cọc khoan nhồi – Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu”.
– TCVN 9396:2012“Cọc khoan nhồi – Phương pháp xung siêu âm xác định tính đồng nhất của bê tông”.
– TCVN 9393:2012“Cọc – Phương pháp thí nghiệm bằng tải trọng ép dọc trục”
– TCXD-88-1982 “Cọc – Phương pháp thí nghiệm hiện trường”.
– 22 TCN- 272- 05 “Tiêu chuẩn thiết kế cầu”.
-
VẬT LIỆU
3.1. BÊ TÔNG
– Các cọc bê tông đúc tại chỗ phải được thi công tuân thủ các chi tiết chỉ ra trong bản vẽ. Bê tông sử dụng phải phù hợp với chủng loại yêu cầu và phù hợp với các qui định trong mục Qui định thi công – nghiệm thu 07100_“Bê tông và các kết cấu bê tông”.
– Bê tông phải được trộn và đổ tuân thủ các qui định của Qui định thi công – nghiệm thu phần 07100_“Bê tông và các kết cấu bê tông”.
3.2. CỐT THÉP
Cốt thép được sử dụng phải tuân thủ các qui định của Qui định thi công – nghiệm thu phần 07300_“Cốt thép thường”.
Sai số chế tạo cho phép của lồng cốt thép như sau:
Hạng mục |
Sai số cho phép |
Cự ly giữa các cốt chủ |
±10 |
Cự ly cốt đai |
±20 |
Đường kính lồng thép |
±10 |
Độ dài lồng thép |
±50 |
3.3. ỐNG VÁCH TẠM
Các ống vách tạm thời không cho phép có những méo mó và khuyết tật, phải có tiết diện ngang đồng đều trên suốt chiều dài, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật của TCVN 9395:2012. Trong quá trình đổ bê tông, các ống vách không được phép có các biến dạng lồi ra và dính bê tông đã đông kết cứng có thể gây biến dạng sản phẩm cuối cùng.
3.4. ỐNG VÁCH VĨNH CỬU
– Ống vách vĩnh cửu phải được sử dụng tại những nơi được qui định trong bản vẽ hoặc Tư vấn giám sát chỉ định tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật của TCVN 9395:2012.
– Chiều dày tối đa của các ống vách thép theo quy định trên bản vẽ. Nếu ống vách cọc được sử dụng khi tiến hành khoan hay vận chuyển thì phải có chiều dày lớn hơn để tránh gây biến dạng hoặc làm oằn cọc. Việc tăng chiều dày của ống vách sẽ do Nhà thầu trả bằng kinh phí của mình.
– Ống vách thép phải được cung cấp với đúng chiều dài thích hợp và Tư vấn giám sát sẽ chấp thuận các mối nối. Việc hàn các mối nối có thể phải sử dụng phương pháp đã được chấp thuận của thí nghiệm không bị phá hoại, bao gồm phương pháp siêu âm do Tư vấn giám sát yêu cầu. Các khoản chi cho các công việc do đối tác thứ ba đảm nhận phải do Nhà thầu tự trả.
– Ống vách phải được vận chuyển và cất giữ để tránh gây oằn và các biến dạng khác cũng như tránh tích bụi, dầu và sơn. Khi được đặt tại công trường, các ống vách không được dính bẩn, dầu, mỡ, sơn, bụi nhà máy.
3.5. BENTONITE VÀ VỮA BENTONITE (VỮA KHOAN)
3.5.1. CUNG CẤP
Vật liệu Bentonite sẽ phải tuân thủ theo các quy định của TCVN 9395:2012.
3.5.2. TRỘN
– Bentonite phải được trộn trong nước sạch để tạo ra huyền phù, duy trì độ ổn định của công tác khoan cọc trong thời gian cần thiết để đổ bê tông và hoàn thiện thi công. Nhiệt độ của nước được dùng để trộn thể vẩn bentonite và trộn thể vẩn khi dùng trong hố khoan không được dưới 50C.
– Khi nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn hay hoá chất, cần phải hết sức thận trọng khi trộn bentonite hoặc tiền hydrate hoá bentonite trong nước sạch để vật liệu trở nên phù hợp với việc thi công cọc.
3.5.3 THÍ NGHIỆM
– Trước khi tiến hành công việc, Nhà thầu phải đề xuất tần số tiến hành thí nghiệm dung dịch khoan, phương pháp cũng như quy trình thử mẫu. Số lần tiến hành thí nghiệm sau đó có thể thay theo yêu cầu phụ thuộc vào tính nhất quán của các kết quả thí nghiệm thu được.
– Các thí nghiệm kiểm tra phải được tiến hành trên thể vẩn bentonite, sử dụng các thiết bị thích hợp. Độ đậm đặc của thể vẩn mới được trộn phải được đo hằng ngày để kiểm tra chất lượng tạo thể vẩn. Thiết bị đo đạc phải được phân độ để đọc dữ liệu trong 0.01g/ml. Các thí nghiệm tiến hành để xác định độ đậm đặc, độ nhớt, cường độ cắt và giá trị pH phải được áp dụng với bentonite cung cấp cho việc thi công cọc. Trong các điều kiện sôi trung bình các kết quả thí nghiệm nói chung sẽ được trình bày trong bảng dưới đây. Các thí nghiệm phải được tiến hành cho đến khi đã xác lập được một mô hình làm việc nhất quán, có tính đến quá trình trộn, pha chế thể vẩn mới trộn, thể vẩn đã trộn trước đó và bất cứ quá trình nào khác có thể được dùng để tách các tạp chất ra khỏi các thể vẩn bentonite đã sử dụng trước đó. Khi các kết quả thí nghiệm cho thấy được tính nhất quán, các thí nghiệm về cường độ cắt và giá trị pH có thể không cần tiếp tục tiến hành, các thí nghiệm xác định độ đậm đặc và độ nhớt phải được tiến hành với sự chấp thuận của Tư vấn giám sát. Nhà thầu phải nộp trình để Tư vấn giám sát chấp thuận phương pháp đề xuất thu mẫu và kiểm tra bentonite bị nhiễm bẩn và làm sạch mặt bằng móng hố khoan. Nếu mô hình làm việc đã được lập có sự thay đổi, các thí nghiệm cường độ cắt và giá trị pH phải được tiến hành lại nếu được yêu cầu.
– Các chỉ tiêu tính năng ban đầu của dung dịch khoan phải tuân thủ yêu cầu của TCVN 9395:2012, cụ thể như sau:
Các đặc tính sẽ được đo đạc |
Biên độ kết quả tại 20o C |
Phương pháp thí nghiệm |
Tỷ trọng |
1.05~1.15g/cm3 |
Phương pháp cân tỷ trọng đất |
Độ nhớt |
18~45s |
Phương pháp phễu tiêu chuẩn |
Tỷ lệ keo |
>95% |
Phương pháp đo cốc |
Lượng mất nước |
<30ml/30 phút |
Dụng cụ đo độ mất nước |
Hàm lượng cát |
< 6% |
|
Độ dày áo sét |
1¸3mm/30 phút |
Dụng cụ đo độ mất nước |
Lực cắt tĩnh |
1 phút: 20¸30mg/cm2 10 phút: 50¸100mg/cm2 |
Lực kế cắt tĩnh
|
Độ pH |
7 – 9 |
Giấy thử pH |
Tính ổn định |
< 0.03g/cm2 |
|
– Trước khi đổ bê tông nếu mẫu dung dịch ở độ sâu 0,5m tính từ đáy có khối lượng lớn hơn 1,25g/cm3, hàm lượng cát lớn hơn 8%, độ nhớt lớn hơn 28 giây phải tiến hành thổi rửa lỗ khoan để đảm bảo chất lượng cọc.
Các thí nghiệm tiến hành để xác định độ đậm đặc, độ nhớt, cường độ cắt và giá trị pH phải được áp dụng với bentonite cung cấp cho việc thi công cọc.
4. TRÌNH NỘP
Trước khi tiến hành thi công cọc, Nhà thầu phải nộp trình để Tư vấn giám sát phê chuẩn bản thuyết minh và bản vẽ minh hoạ công nghệ thi công cọc khoan nhồi, bao gồm:
– Mặt bằng bố trí công trường.
– Sơ đồ khoan.
– Chi tiết về thiết bị thi công cọc khoan nhồi.
– Phương pháp và trình tự lắp ráp bao gồm các phương pháp tránh gây hư hại cho các cọc xung quanh, công trình tiện ích và các kết cấu, phương pháp làm sạch móng của các cọc khoan nhồi.
– Thiết bị kiểm tra hình dạng cọc có thể sử dụng.
– Các phương pháp kiểm tra nguồn nước ngầm.
– Phương pháp đổ bê tông.
– Chi tiết về các vật liệu đề xuất và phương pháp thi công sử dụng vật liệu sản xuất bentonite.
– Bố trí thí nghiệm cọc theo tải trọng thẳng đứng do đơn vị thí nghiệm lập.
– Đề cương thí nghiệm khả năng chịu lực của cọc được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài các nội dung phải trình nộp như đề cập ở trên, Nhà thầu phải trình lên để Tư vấn giám sát phê chuẩn chi tiết về vật liệu kiến nghị dùng và phương pháp thi công cọc khoan nhồi đúc tại chỗ có sử dụng chất pha bentonite và các chất khác bao gồm:
– Chứng chỉ của nhà sản xuất đối với vật liệu bentonite, trong đó xác nhận: chủng loại, tên nhà sản xuất, ngày và nơi sản xuất bao gồm cả các thông tin chi tiết về độ nhớt theo độ centipoazơ và cường độ trong N/sq. mm đối với chất rắn trong nước.
– Đặc tính của chất pha bentonite trong điều kiện mới trộn và trong khi đào ngay trước khi đổ bê tông.
– Phương pháp kiểm tra chất lượng, thu mẫu, thí nghiệm, trộn, cất giữ, tính toán lại, lọc bỏ cát và phù sa, tránh không để rò gỉ ra bên ngoài công trường.
– Chiều cao dung dịch khoan, bao gồm cả tính toán.
– Phương pháp đổ bê tông dưới nước.
5. THI CÔNG
5.1. KHOAN
5.1.1. KHOAN GẦN CÁC CỌC MỚI ĐỔ BÊ TÔNG
Chỉ được phép khoan gần các cọc đã đổ bê tông sau khi bê tông trong các cọc đó đạt tối thiểu 70% cường độ thiết kế.
5.1.2. GIỮ ỔN ĐỊNH VÁCH BẰNG VỮA KHOAN
Tại những vị trí mà dung dịch khoan được chấp thuận sử dụng để duy trì sự ổn định của vách lỗ khoan, cao độ của dung dịch trong lỗ khoan phải được duy trì sao cho áp lực dung dịch luôn lớn hơn các áp lực gây ra bởi các lớp đất và nước ngầm bên ngoài, và ống vách tạm thời phải được sử dụng cùng với phương pháp dùng dung dịch khoan để đảm bảo sự ổn định của tầng đất gần cao độ mặt đất thiên nhiên cho đến khi bê tông đã được đổ. Cao độ dung dịch khoan phải được duy trì ở mức cao hơn mực nước ngầm bên ngoài không dưới 1m.
Trong trường hợp bị mất vữa bentonite nhanh chóng trong quá trình khoan cọc, hố khoan phải được lấp trả lại không chậm trễ và tuân thủ các chỉ dẫn của Tư vấn giám sát trước khi được tiến hành khoan lại.
5.1.3. XỬ LÝ VỮA THẢI
Tất cả các biện pháp thi công hợp lý phải được sử dụng để vữa bentonite trên công trường không bị tràn ra bên ngoài các hố khoan. Nhà thầu sẽ đưa ra biện pháp tận dụng thu hồi Bentonite trong công nghệ khoan đệ trình để Tư vấn giám sát phê duyệt. Bentonite loại bỏ phải được di chuyển ra khỏi công trường ngay lập tức. Công tác vận chuyển, tập kết tới bãi thải bentonite nào đều phải tuân thủ các qui định của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
5.1.4. BƠM NƯỚC RA KHỎI HỐ KHOAN
Không được phép tiến hành bơm từ bên trong lỗ khoan trước khi ống vách đã đặt xuống tầng đất ổn định, ngăn được nguồn nước ngầm dưới đất chảy vào hố với một khối lượng đáng kể, hoặc trừ khi có thể chỉ ra rằng việc bơm nước không gây hại gì đến lớp đất hoặc các kết cấu xung quanh.
5.1.5. LÀM SẠCH ĐÁY LỖ KHOAN
Khi công tác khoan hoàn thành, đất rời rạc, đất bị xáo trộn hay bị xục lên phải được làm sạch khỏi đáy lỗ khoan, sử dụng các phương pháp thích hợp và được chấp thuận, kể cả phương pháp thổi bằng khí nén, trong khi đó vẫn có thể giảm tối thiểu sự xáo trộn bên dưới móng cọc.
5.1.6. KIỂM TRA
Đối với lỗ khoan không cần sử dụng ống vách tạm khi thi công, đường kính lỗ khoan cho một số lượng cọc đại diện phải được xác định lại trước khi đổ bê tông. Nhân viên giám sát chất lượng của Nhà thầu sẽ phải tiến hành việc đo đạc này bằng các dụng cụ và phương pháp đã được chấp thuận.
Nhà thầu phải cung cấp dụng cụ đã được phê chuẩn để có thể được sử dụng vào việc kiểm tra độ thẳng đứng của cọc khoan nhồi và lồng cốt thép.
5.2. ĐỔ BÊ TÔNG
Ngay sau khi hoàn thành công tác khoan, công tác ép vữa và công tác cốt thép cần phải được tiến hành ngay và Tư vấn giám sát kiểm tra, chấp thuận để bắt đầu công tác đổ bê tông. Khi đã được Tư vấn giám sát chấp thuận, phải tiến hành ngay việc đổ bê tông và không được gián đoạn. Tại hố khoan có nước và dung dịch khoan, bê tông phải được đổ theo phương pháp đổ bê tông dưới nước.
Trước khi đổ bê tông, phải tiến hành kiểm tra, đo đạc cao độ để đảm bảo rằng tại đáy hố khoan không có sự tích tụ mùn đất hay các vật liệu khác.
Bê tông phải tuân thủ các quy định của Mục “Bê tông và các kết cấu bê tông”.
Bê tông phải được đổ sao cho không bị phân tầng.
Trong và sau khi đổ bê tông, việc bơm và tháo nước phải hết sức thận trọng để tránh gây hư hại cho bê tông mới đổ.
Phễu và ống đổ bê tông dưới nước phải được làm sạch và kín nước. ống phải kéo dài tới đáy cọc và phải đặt cầu trượt vào ống để ngăn sự tiếp xúc trực tiếp giữa lớp bê tông đầu tiên trong ống và nước hoặc dung dịch khoan. ống phải luôn ngập vào lớp bê tông vừa đổ và không được rút lên khỏi bê tông cho đến khi hoàn thành việc đổ bê tông. Trong suốt thời gian đổ bê tông, phải luôn được duy trì một lượng bê tông đủ lớn trong ống để đảm bảo rằng áp suất trong ống lớn hơn áp suất của nước. Đường kính trong của ống không được phép nhỏ hơn 150 mm đối với bê tông có cốt liệu hạt kích cỡ 20 mm và không được nhỏ hơn 200mm đối với bê tông có cốt liệu hạt 40 mm. Các ống đổ bê tông dưới nước phải được thiết kế sao cho giảm thiểu các phần gờ ra bên ngoài để có thể đặt trong các lồng cốt thép mà không gây ra bất cứ hư hại nào. Mặt bên trong của ống không được phép có các chỗ trồi ra.
Đo cao độ bề mặt bê tông phải được tiến hành ngay trước và sau khi có mọi sự dịch chuyển theo phương thẳng đứng của ống đổ bê tông dưới nước.
Nhà thầu phải đảm bảo rằng thể vẩn bentonite bị nhiễm bẩn nặng có thể gây hư hại dòng chảy tự do của bê tông từ ống đổ bê tông dưới nước, không tích tụ tại đáy của các lỗ khoan.
Mẫu vữa bentonite phải được lấy từ đáy của hố khoan bằng cách sử dụng thiết bị lấy mẫu đã được chấp thuận. Nếu tỷ trọng của vữa vượt quá 1,25 không được phép tiến hành đổ bê tông. Trong trường hợp này, Nhà thầu phải thay đổi hoặc thay thế bentonite như được chấp thuận để đáp ứng được các yêu cầu của Quy định thi công – nghiệm thu.
5.3 ÉP VỮA XI MĂNG
Nếu xét thấy cần thiết, Tư vấn giám sát có thể yêu cầu ép vữa xi măng đáy cọc.
Nhà thầu phải trình lên Tư vấn giám sát phương pháp ép vữa xi măng đáy cọc để Tư vấn giám sát kiểm tra và phê duyệt.
Trừ khi có sự chỉ dẫn khác của Tư vấn giám sát áp suất ép vữa tại đầu cọc không nhỏ hơn 5.0MPa và được ép ít nhất trong 10 phút.
Thiết bị dùng để ép vữa phải có khả năng ép tới áp suất 10MPa.
5.4 RÚT ỐNG VÁCH TẠM TRONG QUÁ TRÌNH ĐỔ BÊ TÔNG
5.4.1. ĐỘ LINH ĐỘNG CỦA BÊ TÔNG
Nếu có sử dụng ống vách thi công tạm thời thì ống vách phải được rút lên khi bê tông bên trong nó vẫn còn đủ độ linh động để đảm bảo bê tông sẽ không bị nâng lên. Nếu sử dụng hỗn hợp bê tông nửa khô thì các biện pháp đảm bảo cho bê tông không bị kéo lên trong khi rút ống vách phải được sự chấp thuận của Tư vấn giám sát.
5.4.2. CAO ĐỘ BÊ TÔNG
Khi ống vách thi công đang được rút lên, một lượng bê tông thích hợp ở bên trong ống phải được duy trì để đảm bảo áp lực của nước hoặc đất ở bên ngoài không lớn hơn và như vậy các cọc sẽ không bị giảm tiết diện hoặc bị hư hỏng.
Bê tông phải được đổ liên tục cho đến khi cao độ yêu cầu của đỉnh bê tông đã đạt được. Chiều cao đầu cọc dự tính đổ bê tông vượt quá so với cao độ thiết kế phải được Tư vấn giám sát chấp thuận và sau đó sẽ đục bỏ đến cao độ thiết kế với yêu cầu đảm bảo bê tông tốt, không bị gãy vỡ tại các đầu cọc.
Để tránh ảnh hưởng đến bê tông cọc, việc tháo dỡ các ống vách bằng các thiết bị rung phải được sự chấp thuận của Tư vấn giám sát.
5.4.3. MỰC NƯỚC
Trong trường hợp cao độ mực nước ngầm cao hơn cao độ đổ bê tông đầu cọc yêu cầu chỉ ra trong Bản vẽ, Nhà thầu phải đệ trình đề xuất của mình để được chấp thuận trước khi đổ bê tông. Đầu cọc sẽ không được để thấp hơn mực nước ngầm trừ khi có các biện pháp phòng ngừa được chấp thuận.
5.5 CAO ĐỘ MŨI CỌC CUỐI CÙNG
Tư vấn giám sát sẽ quyết định cao độ mũi cọc cuối cùng căn cứ trên địa chất thực tế khi khoan tạo lỗ cọc. Trong trường hợp địa chất có diễn biến bất thường so với kết quả khoan khảo sát địa chất, Tư vấn thiết kế và Tư vấn giám sát cùng xem xét các tài liệu liên quan đến quá trình khoan cọc để thống nhất cao độ mũi cọc cuối cùng.
Trong khi khoan các cọc, Nhà thầu phải đưa ra “hình trụ lỗ khoan”, chỉ ra chiều sâu và các lớp đất khác nhau. Các mẫu không nguyên vẹn sẽ được đệ trình lên Tư vấn giám sát giám sát.
Trong thời gian khoan cọc, nếu điều kiện đất nền khác với kết quả khảo sát trong khi khoan thăm dò thì Nhà thầu phải thông báo ngay lập tức với Tư vấn thiết kế bằng văn bản có xác nhận của Tư vấn giám sát và Đại diện chủ đầu tư.
Nhà thầu sẽ tiến hành lấy mẫu và thí nghiệm để kiểm tra địa chất đáy lỗ khoan dưới sự giám sát chặt chẽ của Tư vấn giám sát, sau đó lập thành báo cáo có xác nhận của Tư vấn giám sát để gửi Tư vấn thiết kế, Chủ đầu tư.
5.6 SAI SỐ VỊ TRÍ VÀ KÍCH THƯỚC
Tim của các cọc đã thi công tại mặt cắt kiểm tra sẽ không được lệch quá giá trị nhỏ hơn của D/6 và 100mm so với vị trí lý thuyết trên bản vẽ. Độ nghiêng của cọc không được vượt hơn 1:100 theo phương thẳng đứng.
Sai số kích thước cọc không được vượt quá ±250mm theo chiều sâu và ±50mm theo đường kính cọc.
5.7 BÁO CÁO
Nhà thầu phải cung cấp cho Tư vấn giám sát những ghi chép chi tiết hàng ngày về địa chất thực tế bắt gặp trong khi khoan và thi công cọc.
Tim của các cọc đã thi công tại mặt cắt kiểm tra sẽ không được lệch quá giá trị nhỏ hơn của D/6 và 100mm so với vị trí lý thuyết trên bản vẽ.
6. KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG THI CÔNG CỌC KHOAN NHỒI
Cọc khoan nhồi sẽ được thí nghiệm đánh giá khả năng chịu lực dựa trên các kết quả thí nghiệm theo phương pháp thí nghiệm nén tĩnh. Trình tự thí nghiệm, báo cáo kết quả thí nghiệm phải tuân thủ các quy định hiện hành, cụ thể theo các quy trình quy phạm sau đây:
– Cọc khoan nhồi – tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu TCVN 9395:2012.
– Cọc – Phương pháp thí nghiệm bằng tải trọng ép dọc trục TCVN 9393:2012.
– Đề cương thí nghiệm đánh giá sức chịu tải và chất lượng cọc khoan nhồi do Tư vấn thiết kế lập phù hợp TCVN 9395:2012 và Tư vấn giám sát phê duyệt.
– Việc kiểm định phải là của đơn vị Tư vấn kiểm định độc lập đã được Bộ GTVT chấp thuận.
7. THÍ NGHIỆM TÍNH NGUYÊN VẸN CỦA CỌC
Tất cả các cọc phải được thí nghiệm để xác định tính nguyên vẹn của chúng bằng các phương pháp như thí nghiệm khoan lõi, thí nghiệm siêu âm cọc theo quy định hiện hành.
7.1 TẠO LỖ ĐỂ SIÊU ÂM VÀ KHOAN LẤY LÕI MŨI CỌC
Tạo lỗ để đo siêu âm và khoan lấy lõi cọc:
Để thí nghiệm kiểm tra tính nguyên vẹn của cọc bằng phương pháp siêu âm và khoan lấy lõi, tất cả các cọc khoan nhồi, bao gồm cả các cọc thử nghiệm phải được đặt các ống thăm dò bằng thép hoặc nhựa với hai loại đường kính như đã chỉ ra trên bản vẽ, ống thăm dò phải tuân thủ các quy định sau đây cũng như các yêu cầu trong tiểu mục 7.2 và 7.3.
Chiều dài của ống có đường kính lớn hơn phải được kéo dài từ điểm nằm cách mũi cọc 1000mm cho đến điểm nằm cách đỉnh của ống vách tạm thời tối thiểu 30mm.
Chiều dài của ống có đường kính nhỏ hơn phải kéo dài từ đáy của lồng cốt thép cọc cho đến điểm nằm cách đỉnh của ống vách tạm thời tối thiểu 30mm.
Đáy của các ống thăm dò phải được nút kín lại.
Đỉnh ống phải được bịt kín bằng nút có ren để tránh các vật liệu bên ngoài xâm nhập vào bên trong ống.
Các ống phải được đặt thẳng liên tục từ đáy đến đỉnh để có thể đưa thiết bị khoan lấy lõi và siêu âm vào.
Các ống phải được đặt với khoảng cách đều nhau theo đúng kích thước trong bản vẽ.
Trong quá trình lắp đặt ống không được phép để các vật liệu bên ngoài xâm nhập vào bên trong ống.
Nhà thầu phải chịu trách nhiệm đối với bất kỳ công việc sửa chữa cần thiết nào nếu thí nghiệm và/hoặc khoan lấy lõi không thực hiện được do đặt ống không đúng hoặc để các vật liệu bên ngoài lọt vào trong ống gây tắc nghẽn.
Nhà thầu phải lấp tất cả các lỗ lại bằng vữa trương nở được Tư vấn giám sát chấp thuận sau khi thí nghiệm và/hoặc khoan lấy lõi xong, vữa phải có khả năng đẩy hết nước trong lỗ ra. Phải phun vữa liên tục vào lỗ từ đáy cho đến miệng ống.
7.2 THÍ NGHIỆM LÕI
Công tác khoan lấy lõi phải được thực hiện đối với các cọc đã thi công xong theo quy định hiện hành từ đáy của các ống đặt sẵn có đường kính lớn hơn xuống dưới mũi cọc ít nhất 600mm. Các lõi lấy được sẽ được giữ theo trật tự chiều sâu trong các hộp và dấu hiệu nhận dạng lỗ khoan phải được đánh dấu một cách rõ ràng trên các lõi khoan và các hộp chứa.
Tuỳ thuộc vào việc hoàn thành các thí nghiệm, tất cả các lỗ rỗng từ các hố khoan lấy mẫu phải được lấp lại bằng vữa không co ngót tuân thủ các yêu cầu của Quy định thi công – nghiệm thu phần 7.1(i).
7.3 THÍ NGHIỆM SIÊU ÂM CỌC
Thí nghiệm siêu âm cọc phải do các đơn vị kiểm định chuyên ngành đã được Bộ GTVT chấp thuận tiến hành. Trước khi tiến hành thí nghiệm, các chuyên gia này phải trình nộp bản giải trình phương pháp thực hiện của mình để Tư vấn giám sát thông qua.
Việc trình bày các kết quả thí nghiệm phải được người có đủ khả năng thực hiện và phải được Tư vấn giám sát thông qua ngay khi hoàn tất các thí nghiệm. Trong vòng 10 ngày tiến hành thí nghiệm Tư vấn giám sát phải nhận được một báo cáo bằng văn bản đầy đủ về công việc liên quan.
7.4 THÍ NGHIỆM CỌC THEO PHƯƠNG PHÁP BIẾN DẠNG LỚN (P.D.A)
Tiêu chuẩn thí nghiệm áp dụng ASTM D4945-89
Các thí nghiệm (nếu có), tải trọng phải được tiến hành theo đề cương do Tư vấn thiết kế cung cấp và được Tư vấn giám sát chấp thuận.
Thiết bị yêu cầu đồng bộ được Tư vấn giám sát và Chủ đầu tư chấp thuận.
Kết quả thí nghiệm được phân tích và đánh giá thông qua phần mềm máy tính.
Thiết bị yêu cầu đồng bộ được Tư vấn giám sát và Chủ đầu tư chấp thuận.
8. THÍ NGHIỆM NÉN TẢI TRỌNG TĨNH
Công tác thí nghiệm nén tải trọng tĩnh (không phá hoại) phải tiến hành đối với cọc khoan nhồi thi công đầu tiên tại mỗi cầu lớn và các vị trí do Tư vấn giám sát hoặc Chủ đầu tư yêu cầu nếu xét thấy cần thiết.
Đơn vị thí nghiệm cần chuẩn bị và trình phương án thí nghiệm cọc cho Tư vấn giám sát xem xét và chấp thuận.
Sau khi thí nghiệm xong, đơn vị thí nghiệm phải nộp báo cáo kết quả thí nghiệm nén tĩnh cho Chủ đầu tư, Tư vấn giám sát và Tư vấn thiết kế trong vòng 7 ngày. Kết quả thí nghiệm nén tải trọng tĩnh là cơ sở kiểm tra khả năng chịu lực và xác định chiều dài thực tế cho các cọc tiếp theo.
9. NHẬT KÝ VÀ BÁO CÁO THI CÔNG
Nhà thầu sẽ phải tổ chức ghi chép chi tiết, như trình bày dưới đây và phải đệ trình hai bản sao những nhật ký và báo cáo thi công này có chữ ký lên Tư vấn giám sát giám sát trong buổi sáng ngày làm việc hôm sau sau khi các cọc đã được thi công. Các nhật ký có chữ ký của cán bộ phụ trách sẽ tạo thành báo cáo về công việc theo những chi tiết sau:
Nhật ký của công tác thi công cọc khoan nhồi:
-
Ngày
-
Hợp đồng.
-
Số thứ tự cọc (vị trí).
-
Loại cọc.
-
Đường kính danh định.
-
Đường kính mở rộng lỗ khoan.
-
Chiều dài của cọc được thi công.
-
Cao độ mực nước ngầm.
-
Ngày và thời gian khoan.
-
Ngày đổ bê tông.
-
Cao độ mặt đất ban đầu.
-
Cao độ thi công.
-
Chiều sâu từ cao độ thi công đến đầu cọc.
-
Chiều dài của ống vách tạm thời.
-
Chiều dài của ống vách vĩnh cửu.
-
Độ thẳng đứng của lỗ khoan.
-
Mẫu đất lấy được và các thí nghiệm tại chỗ đã tiến hành.
-
Chiều dài và chi tiết lồng thép.
-
Cấp phối bê tông.
-
Khối lượng bê tông cung cấp cho cọc tại những vị trí có thể đo được và cao độ của bê tông và ống vách tương ứng.
-
Tất cả các thông tin liên quan đến trở ngại gây chậm chễ và các trở ngại khác đến tiến độ công việc.
-
Cường độ của các mẫu trụ bê tông tương ứng.
-
Cấp phối vữa và khối lượng sử dụng (nếu việc bơm vữa được tiến hành).
10. XÁC ĐỊNH KHỐI LƯỢNG VÀ THANH TOÁN
Khối lượng công việc, thực hiện theo đúng các quy định kể trên cũng như các yêu cầu chỉ ra trong hồ sơ Thiết kế bản vẽ thi công, phù hợp với khối lượng trong Bản vẽ thi công đã được duyệt & khối lượng trong Tiên lượng mời thầu. Khối lượng ống vách để lại được tính theo thực tế thi công.
Các thí nghiệm thử tải, kiểm tra chất lượng cọc, bao gồm cả báo cáo sẽ phải trình nộp, được xác định khối lượng theo từng loại trên cơ sở đề cương thí nghiệm kiểm tra chất lượng cọc được duyệt và số lượng thực hiện thực tế trên công trường.
Thanh toán theo đơn giá trúng thầu đã được duyệt và căn cứ vào Hợp đồng giữa Chủ đầu tư với Nhà thầu thi công.
Khối lượng phát sinh (được chấp thuận của Chủ đầu tư) được xử lý theo các quy định hiện hành.
Kết luận
Trên đây là những thông tin được B&T tổng hợp về quy trình thi công và nghiệm thu khoan cọc nhồi nhằm giúp độc giả có cái nhìn tổng thể nhất, từ đó giúp các bạn có thêm cơ sở để đánh giá dịch vụ khoan cọc nhồi nếu có dịp thuê loại dịch vụ này.
CÔNG TY TNHH B&T
MST: 2500281264
Mobile: 043.525.0786
Email : btquangminh09@gmail.com
Website: http://btvina.com.vn
Địa chỉ: Km9, Cao tốc Thăng Long – Nội Bài, Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội